KẾT QUẢ MÔ HÌNH SẢN XUẤT GIỐNG LÚA CHẤT LƯỢNG, KHÁNG BẠC LÁ N20 TẠI HẢI DƯƠNG
Trong sản xuất lúa, bệnh bạc lá phát sinh gây hại suốt từ thời kỳ mạ đến khi lúa chín, ảnh hưởng rất lớn tới sinh trưởng và phát triển của cây lúa, giảm năng suất lúa khi thu hoạch và giảm chất lượng gạo thương phẩm. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho các nhà chọn giống hiện nay là nghiên cứu chọn tạo ra các giống có khả năng kháng bệnh bạc lá.
Giống lúa N20 do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa thuần, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo từ tổ hợp lai AC5/ DH62, đã được đưa vào khảo nghiệm tại xã Thống Nhất huyệnGia Lộc, xã An Đức huyện Ninh Giang và xã Tân Kỳ huyện Tứ Kỳ từ năm 2012, 2013. Giống lúa N20 thể hiện nhiều ưu điểm như: sinh trưởng khoẻ, chịu rét khá, kháng rầy nâu, đạo ôn, cứng cây, chịu thâm canh khá.
Trong năm 2013 và 2014, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa thuần đã xây dựng thành công mô hình 60 ha giống lúa kháng bạc lá N20 trong 2 vụ (vụ xuân 30 ha và vụ mùa 30 ha), tại xã Thống Nhất huyện Gia Lộc, xã An Đức huyện Ninh Giang, và xã Hà Kỳ huyện Tứ Kỳ. Quá trình theo dõi mô hình cho thấy: Giống lúa N20 có sức sinh trưởng tốt, chiều cao cây là 110 – 115 cm, cao hơn giống BT7 khoảng 5cm, cây rất cứng có khả năng chống đổ tốt. Khả năng đẻ nhánh khỏe, số bông hữu hiệu đạt 7,4 bông/ khóm, bông dài đạt 219,2 số hạt /bông, tỷ lệ hạt lép đạt 8,6%, khối lượng nghìn hạt đạt 21,4g.
Ở điều kiện vụ xuân, giống lúa N20 không bị nhiễm rầy nâu và bệnh bạc lá, bị nhiễm nhẹ với một số loại sâu bệnh khác như bệnh khô vằn, đạo ôn, cuốn lá, đục thân. Đây có thể là do giống lúa N20 cứng cây, khả năng trỗ thoát nhanh, chín sớm hơn tránh được các lứa sâu đục thân, rầy nâu phá hại. Giống N20 trong mô hình bị nhẹ khô vằn còn các sâu bệnh khác rất sạch và bà con nông dân không phải phun thuốc rầy và bạc lá. Tại xã An Đức, huyện Ninh Giang, có tới 51% diện tích mô hình đạt năng suất 60 – 62 tạ/ha, trong khi mô hình đối chứng trồng giống BT7 chỉ đạt năng suất 55- 57 tạ/ha. Còn tại xã Hà Kỳ, huyện Tứ Kỳ, có tới 65,9% hộ đạt năng suất 60-62 tạ/ha và 27,2% hộ đạt năng suất >62 tạ/ha.
Trong vụ mùa 2014, tại xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, mô hình bố trí tập trung với tổng diện tích 10 ha; kết quả mô hình có 84,5% diện tích mô hình đạt năng suất 60 – 62 tạ/ha. Trong khi mô hình đối chứng trồng giống BT7 chỉ đạt năng suất 50 tạ/ha (do toàn bộ diện tích bị đổ do cơn bão vào tháng 9 đã làm cho năng suất giảm đi 15%). Còn tại xã Hà Kỳ, huyện Tứ Kỳ, có 67,4% hộ đạt năng suất 60 – 62 tạ/ha và 7,5% hộ đạt năng suất > 62 tạ/ha.
Năng suất của lúa N20 ở vụ xuân đạt trung bình 62- 63 tạ/ha, vụ mùa đạt năngsuất trung bình 60 – 61 tạ/ha, cao hơn năng suất mô hình đối chứng 1,5 – 1,7 lần. Bên cạnh đó khi đưa giống N20 kháng bạc lá vào sản xuất giảm được số lần phun thuốc, giảm ôi nhiễm môi trường. Giống lúa N20 là giống cứng cây vì vậy khả năng chống đổ rất tốt, đã tiết kiệm được công lao động.
Năm 2014, đề tài đã tổ chức triển khai được 6 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống lúa N20 kháng bạc lácho cán bộ khuyến nông cơ sở và nông dân. Địa điểm tổ chức tại xã An Đức – Ninh Giang, xã Hà Kỳ – Tứ Kỳ, Xã Thống Nhất – Gia Lộc. Với 420 lượt người tham gia
Ban chủ nhiệm đề tài biên soạn quy trình kỹ thuật ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu, dễ áp dụng về các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc các giống lúa mới N20 kháng bạc lá.
Nguồn: haiduongdost.gov.vn