CẢI THIỆN CHÍNH SÁCH GIẢI QUYẾT NHỮNG THÁCH THỨC CỦA NÔNG NGHIỆP
(Mard-02/10/2015): “Cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách nông nghiệp” là nội dung chính được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội thảo “Báo cáo rà soát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về chính sách nông nghiệp Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng ngày 30/9 tại Hà Nội.
Báo cáo “Đánh giá chính sách nông nghiệp ở Việt Nam” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, thực hiện chính sách đổi mới vào giữa những năm 1980 đã giúp Việt Nam tăng trưởng sản xuất, giảm lượng người thiếu ăn từ 46% trên tổng dân số trong giai đoạn 1990-1992 xuống còn 13% trong giai đoạn 2012-2014, đây là thành tích tốt nhất trên phương diện toàn cầu. Song song với kết quả này, Việt Nam cũng nhanh chóng thiết lập vị trí trên thị trường nông sản quốc tế, trở thành nước xuất khẩu hạt điều, và hạt tiêu đen lớn nhất thế giới, đứng thứ hai về cà phê và sắn, thứ ba về gạo và thủy sản. Cải cách kinh tế ở Việt Nam đã tạo kết quả ấn tượng trong ngành nông nghiệp, giúp tăng sản lượng nông nghiệp hơn 3 lần trong giai doạn 1990-2013, nâng cao thu nhập cho nông dân, xóa đói giảm nghèo, giải quyết tình trạng thiếu lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đưa ra khuyến nghị, để duy trì mức tăng trưởng và giải quyết những thách thức mới trong bối cảnh hội nhập hiện nay như: suy giảm tăng trưởng, giá nông sản thấp, hạn chế tài nguyên đất, tác động về môi trường trong sản xuất nông nghiệp….ngành nông nghiệp cần có thêm những hành động mạnh mẽ về chính sách để giải quyết những thách thức đặt ra. Theo ông Ken Ash Tổng vụ trưởng thương mại và nông nghiệp, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam cần cải thiện môi trường chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư giúp ngành nông nghiệp tiếp tục nắm bắt cơ hội đến từ nhu cầu gia tăng, đồng thời thích ứng với những thách thức do biến đổi khí hậu và hạn chế về các nguồn lực như: nước, đất đai. Chi phí lao động gia tăng sẽ mở ra cơ hội để áp dụng công nghệ mới và khuyến khích xây dựng các trang trại lớn hơn, nhưng chúng cũng cũng có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành, đặc biệt là nếu các hộ sản xuất quy mô nhỏ không thể tiếp cận và thích nghi với những công nghệ tiếp kiệm lao động mới. Ông Ken Ash cho rằng, cần phải có chuyển dịch về chính sách trong nông nghiệp như: tăng năng suất lao động, tăng sản lượng đầu ra trên đơn vị đầu vào như: đất, nước, và trọng tâm phải nâng cao được hiệu quả về năng suất và chất lượng. Các khuyến nghị của OECD đưa ra giúp các nhà hoạch định chính sách lựa chọn và đi đến quyết định. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải xem xét chính sách nào cần thực hiện và ưu tiên trước, cái nào làm sau. Chính sách nào cần bổ sung hay ban hành mới để phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, báo cáo là kết quả phối hợp làm việc trong thời gian hơn 2 năm giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế. Những kết quả từ báo cáo sẽ góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới mà ngành đang triển khai, đồng thời đưa ra những đề xuất, khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách để giải quyết những thách thức trong tương lai của ngành nông nghiệp.Kết quả từ báo cáo sẽ góp phần tăng cường khung chính sách nông nghiệp, đóng góp trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam. Đồng thời nâng cao hình ảnh, tạo vị thế và mở rộng quan hệ giữa Việt Nam với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đồng thời là kết quả ban đầu hướng tới việc hợp tác chặt chẽ giữa 2 bên trong thời gian tới một cách chặt chẽ, thường xuyên trong lĩnh vực nghiên cứu các chính sách nông nghiệp – ông Trần Kim Long nhấn mạnh./.
Nguồn:www. mard.gov.vn