ĐẬU TƯƠNG BIẾN ĐỔI GEN
Giống đậu tương biến đổi gen là thành tựu công nghệ có ưu thế năng suất, kháng sâu bệnh, khánh được sâu xanh da láng… chưa có bằng chứng nào chứng minh gây hại môi trường.
Viện Lúa ĐBSCL đã nghiên cứu “Tạo dòng đậu tương (đậu nành) biến đổi gen kháng sâu, chịu hạn” và “Chọn tạo các giống đậu tương biến đổi gen kháng ruồi đục thân, sâu đục quả” thành công.
Kết quả đã tạo được các dòng biển đổi gen mang gen kháng sâu soycry1Ac chọn lọc qua các thế hệ từ T0 đến T5 bằng các phân tích Southern blot (dòng T0, T1, T2 và T3), RT-PCR (dòng T3, T4) và Western blot (dòng T5).
Một số dòng biểu hiện tính kháng sâu cao qua thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và trong nhà lưới. Đã chọn tạo được nhiều dòng biến đổi gen mang gen kháng sâu soycry1Ac nhưng không mang gen đánh dấu chọn lọc bar.
Nghiên cứu tạo chọn dòng đậu tương chịu hạn (vector pPTN-rd29A-drebIA): Kết quả phân tích PCR của 8 dòng T0 kháng thuốc diệt cỏ có 5 dòng có sự hiện diện của gen chịu hạn drebIA. Viện Lúa đã xây dựng được một quy trình kỹ thuật chuyển nạp gen ở cây đậu tương.
Về nghiên cứu chọn tạo các giống đậu tương biến đổi gen kháng ruồi đục thân, sâu đục quả, đã thiết kế được 4 vector mới mang gen kháng sâu cry2Aa, cry4A, cry2Aa + soycy1Ac, cry4A + soycry1Ac; tạo được các dòng biến đổi gen từ giống William đến thế hệ T2 được xác định qua phân tích Southern blot mang gen soycry1Ac hoặc vip3A.
Phân tích Elisa các dòng T2 mang gen soycry1Ac ghi nhận sự biểu hiện đáng kể của protein cry1Ac. Thí nghiệm tính kháng sâu đục quả của dòng T2, T3 mang gen vip3A trong điều kiện tự nhiên trồng trong nhà lưới cho thấy một số dòng biến đổi gen có tỷ lệ sâu hại rất thấp so với giống đối chứng không biến đổi gen.
Hiện đậu tương là cây biến đổi gen chiếm diện tích lớn nhất trong tổng diện tích cây biến đổi gen trên toàn thế giới (60%), sau đó là ngô (22%) và bông vải (11%). |
Ở nước ta, đậu tương là cây thực phẩm quan trọng, nhu cầu tiêu dùng cao. Tuy nhiên do ảnh hưởng nhiều yếu tố như sâu bệnh, chịu hạn kém… nên năng suất đậu tương thấp, bình quân chỉ khoảng 1,9 tấn/ha.
Do đó, đề tài “Nghiên cứu chuyển nạp gen ở đậu tương và tạo dòng đậu tương biến đổi gen kháng sâu ở Việt Nam” do PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa, Viện Lúa ĐBSCL làm chủ nhiệm, thực hiện thành công mở ra nhiều triển vọng.
PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa nhận xét: “Giống đậu tương biến đổi gen là thành tựu công nghệ có ưu thế năng suất, kháng sâu bệnh, kháng được sâu xanh da láng… chưa có bằng chứng nào chứng minh gây hại môi trường.
Ngay cả những gen khi đưa vào và protein khi đã nấu chín, có nhiều kết quả nghiên cứu chứng minh bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Do vậy không có cơ sở để nói rằng ăn những thực phẩm biến đổi gen sẽ gây hại cho con người và môi trường.
“Với 3 loại cây mà Chính phủ có chủ trương đưa vào SX là ngô (bắp), đậu tương và bông vải tôi cho rằng hợp lý. Vì hiện 3 loại nông sản này nước ta đang phải nhập khẩu số lượng lớn. Tuy nhiên tôi nghĩ điều quan trọng là công tác truyền thông cần làm cho người dân hiểu, chịu trồng các giống cây biến đổi gen đó.
Cây trồng biến đổi gen có tính trạng kháng sâu thì chỉ trong điều kiện dịch hại (cây trồng bản địa không chống chịu được) mới phát huy ưu thế được. Trong điều kiện bình thường thì chưa hẳn cây biến đổi gen giải quyết được vấn đề tăng năng suất…”, bà Hòa nói.
Sau kết quả nghiên cứu thành công cây đậu tương biến đổi gen, trước khi đưa ra trồng thực tế phải đánh giá tác động rủi ro. Trải qua giai đoạn này nhận thấy an toàn mới chuyển tiếp sang giai đoạn khảo nghiệm diện hẹp và thấy không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, vi sinh vật… sẽ chuyển sang giai đoạn trồng trên diện rộng.
Nguồn: nongnghiep.vn