GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG, GIẢM CHI PHÍ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT LÚA VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÙNG ĐBSCL
Ngày 19/2/2016, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”.Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, đại diện các địa phương trong tỉnh cùng các nhà khoa học. Trong tổng số 500 đại biểu, có trên 220 nông dân tham dự. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì Diễn đàn.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, El Nino chính thức bắt đầu từ cuối năm 2014 và sẽ kéo dài đến hết mùa xuân năm 2016, trở thành một trong những El Nino mạnh và dài nhất trong 60 năm qua.
Tác động của El Nino làm cho nền nhiệt độ tăng cao và xuất hiện nhiều hơn các kỷ lục về nắng nóng; mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa ở Nam bộ thiếu hụt đến 60%, hạn hán và thiếu nước đã diễn ra thậm chí ngay cả trong các tháng mùa lũ năm 2015; lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt từ 30-50%, một số nơi tới 80%. Chính điều này đã làm cho nước biển xâm nhập sâu vào nội đồng sớm, với nồng độ cao hơn mọi năm ở hầu hết các tỉnh tại ĐBSCL, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất nông nghiệp.
Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa mùa 2015, diện tích bị hạn, mặn chủ yếu trên chân đất lúa tôm của tỉnh Kiên Giang với diện tích bị ảnh hưởng là 57.899 ha (trong đó: DT bị thiệt hại là 29.691 ha); Vụ lúa Thu Đông 2015, diện tích bị hạn, mặn 25.172 chủ yếu trên đất lúa thu đông muộn của tỉnh Cà Mau với diện tích thiệt hại ước trên 18.404 ha và Bạc Liêu: 5.781 ha.
Riêng vụ lúa Đông Xuân 2015-2016, diện tích lúa có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển khoảng 339.234 ha, trong đó diện tích có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán nặng là 104.731 ha, chiếm 10,90% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 6,7% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2015-2016 toàn vùng ĐBSCL. Tổng hợp diện tích lúa bị hạn, mặn của 8 tỉnh ven biển từ nay đến cuối vụ sản xuất là 94.194 ha.
Bên cạnh cây lúa, hạn mặn còn gây ảnh hưởng đến vườn cây ăn quả. Vào đầu tháng 2, tại tỉnh Vĩnh Long có xảy ra hiện tượng vỡ đê, nước nhiễm mặn nhẹ xâm nhập vào làm ảnh hưởng 17 ha của 36 hộ dân trồng bưởi da xanh, sầu riêng, xoài. Ngoài ra, ở Hậu Giang (huyện Châu Thành) và Sóc Trăng (huyện Kế sách) cũng bước đầu có hiện tượng nước mặn xâm nhập vùng cây ăn quả, độ mặn có nơi 3 phần nghìn.
Trước những ảnh hưởng nặng nề do mặn xâm nhập trong mùa khô năm nay và nguy cơ tiếp tục ảnh hưởng trong các năm tới, biện pháp khẩn cấp được các tỉnh triển khai là hạn chế xâm nhập mặn các diện tích lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng và bơm nước giảm nhiễm mặn cho các khu vực bị nước mặn xâm nhập. Hệ thống cống hở, cống thoát nước được đóng lại và dự kiến sẽ có một số khu vực phải đắp đập tạm thời để hạn chế nước mặn xâm nhập.
Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo các địa phương cần bố trí thời vụ xuống giống lúa thật hợp lý để né tránh hạn. Vụ hè thu 2016 cần tập trung vào tháng 4, tháng 5; Không xuống giống lúa Xuân Hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm. Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có.
Về giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, các đại biểu tham dự Diễn đàn đều cho rằng nên giảm diện tích trồng lúa ở những nơi có điều kiện bất lợi, chuyển sang cây trồng cạn. Để giảm chi phí, cần áp dụng triệt để biện pháp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, và kỹ thuật trồng lúa theo SRI (canh tác lúa cải tiến)… Trong đó, cần tập trung vào việc giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng bón phân đạm, giảm số lần phun thuốc BVTV không cần thiết và giảm lượng nước tưới.
Để minh chứng cho các giải pháp kỹ thuật, các đại biểu đã được tham quan mô hình áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa theo SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa tại phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Mô hình có quy mô 60 ha, trong đó cấy lúa là 41 ha, sạ hàng là 19 ha với 73 hộ dân tham gia.
Nông dân tham gia mô hình sử dụng 50 kg/ha đối với ruộng cấy bằng máy và 100 kg/ha đối với sạ hàng, thấp hơn nhiều lần so với mức trên 200 kg/ha khi sạ lan bằng tay. Tại đây bà con nông dân đã thấy được vai trò của việc sạ thưa, sạ hàng đã không làm giảm năng suất mà còn đưa năng suất lúa tăng thêm so đối chứng, giảm sâu bệnh hại và giảm chi phí đầu tư. Kết quả của mô hình lúa gieo cấy ít bị dịch hại, năng suất đạt 9 tấn/ha, giá thành sản xuất 2.520 đồng/kg, sạ hàng đạt 8,5 tấn/ha, giá thành 2.862 đồng/kg. Ruộng đối chứng theo hình thức sạ lan năng suất đạt 8,3 tấn/ha, giá thành 3.024 đồng/kg.
Diễn đàn đã tiếp nhận 30 câu hỏi của đại biểu tham dự. Ban chủ tọa, ban cố vấn đã trực tiếp trả lời, trao đổi, thảo luận với đại biểu các vấn đề về giải pháp khắc phục tình hình nhiễm mặn, hạn, cơ cấu giống, thời vụ,…
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định, tình hình hạn, mặn đang xảy ra tại ĐBSCL là khốc liệt nhất trong gần 100 năm qua, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất. Đặc biệt, hiện nông dân trong vùng vẫn còn tập quán gieo sạ quá dày, với lượng giống từ 180-200 kg/ha, dẫn đến tỷ lệ sử dụng giống lúa có phẩm cấp cao trong vùng thấp hơn rất nhiều so với các vùng miền trong cả nước. Mặt khác do sử dụng với số lượng lớn giống để gieo sạ đã dẫn tới tình trạng sử dụng lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng lên làm giá thành sản xuất tăng, chất lượng của lúa gạo giảm, lợi nhuận của người sản xuất không cao, đồng thời gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Cũng tại Diễn đàn, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã phát động chương trình giảm lượng giống lúa gieo sạ ở vùng ĐBSCL, với mục tiêu đến năm 2020, toàn vùng giảm lượng giống gieo sạ trung bình còn 80 kg/ha.
Hưởng ứng Lễ phát động này, tại Diễn đàn, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư 13 tỉnh vùng ĐBSCL thay mặt các địa phương ký cam kết thi đua từ nay đến 2020 thực hiện giảm lượng giống gieo sạ xuống 80 kg/ha trên diện tích toàn vùng ĐBSCL. Nếu thực hiện được cam kết này, ĐBSCL sẽ giảm được 300.000 tấn lúa giống mỗi năm, tương đương khoảng 4.500 tỷ đồng.
TTKNQG