GIỐNG LÚA CẤY XONG CHỈ VIỆC ĐI CHƠI KHÔNG CẦN LO BỆNH

Bằng chằn chặn như một tấm thảm, vàng rực rỡ óng như lụa tơ tằm, mọi thứ cứ sáng trưng, sáng bóng là thửa ruộng trình diễn giống GL 105 ở xã Giao Tiến (Giao Thủy, Nam Định).

Thửa ruộng đó khiến cho nhiều đại biểu dự hội nghị đầu bờ do Trung tâm KN-KN Nam Định tổ chức cứ nắc nỏm mãi bởi nó không hề nhiễm bệnh đạo ôn dù ruộng bên cạnh cấy giống khác lụi đã gần sát đất.

Trải qua 3 năm với 6 vụ trình diễn ở Nam Định người ta ghi nhận GL 105 ở độ thuần đặc biệt, ở sức đề kháng cực tốt với sâu bệnh, cấy vụ nào là ăn chắc vụ ấy.

Trong mấy vụ mùa gần đây thì mùa 2013 thời tiết được đánh giá là gây khó khăn cho sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa nhất. Dịch bệnh “bùng nổ” khiến rất nhiều giống lúa tốt bị thất thu nhưng GL 105 vẫn cho thu hoạch ở mức độ khá.

Một nông dân ở Giao Tiến bảo tôi rằng: “Cấy xong giống này chúng tôi chỉ việc đi chơi chứ không phải lo nghĩ đến sâu bệnh nữa. Suốt quá trình trồng tôi mới phải một lần đeo bình đi phun thuốc khô vằn”.

Còn ông Đào Viết Tâm, GĐ Trung tâm KN-KN Nam Định thì khuyến cáo bởi độ chống chịu tốt nên cần đưa GL 105 vào cứu cánh cho những diện tích hay bị bệnh bạc lá, đạo ôn nặng của tỉnh mình.

Vậy GL 105 là giống gì? Đó là viết tắt của hai từ Gia Lộc, nơi trụ sở Viện Cây Lương thực & cây thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp VN) đóng và cũng hàm ý là “lộc của nhà nông”. Đây là đứa con tinh thần của Phó Viện trưởng Viện CLT&CTP, ông Nguyễn Trọng Khanh. Hiểu con không gì bằng bố mẹ, tôi “túm” luôn tác giả giống ở ngay bờ ruộng để hỏi rõ nguồn cơn.

Ông Khanh tự tin về năng suất và chất lượng giống của mình có thể ngang ngửa với những giống lúa thuần tốt nhất hiện nay trên thị trường nhưng vượt hơn ở khả năng kháng sâu bệnh, ổn định với những diễn biến bất thường của thời tiết. Sự tự tin ấy của ông Khanh có lẽ phải để chính người nông dân kiểm định.

Ông Khanh bảo rằng mục tiêu của nhiều nhà khoa học hiện nay khi nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuần vẫn là cạnh tranh với giống lúa đang rất nổi tiếng và phổ biến: BC 15. GL 105 được ra đời theo hướng ấy.

Một điều khá thú vị rằng GL 105 cũng là một hiện tượng khá hiếm gặp trong ngành giống khi nó được “gả bán”, nhượng quyền kinh doanh cho 4 công ty với phân vùng thị trường khác nhau từ Bắc chí Nam.

Phụ trách thị trường miền Bắc là Cty CP Giống cây trồng – con nuôi Ninh Bình. Anh Vũ Văn Nga, GĐ Cty này đơn vị bảo với tôi rằng, Cty đã triển khai trên 30 mô hình GL 105 ở khắp các tỉnh, thành. Vụ xuân tốt là điều đương nhiên (80 tạ/ha) còn ở vụ mùa cũng chưa hề ghi nhận bất cứ rủi ro nào.

Một đại lý giống ở Nam Định đã nhắn với anh Nga rằng: “Gặt xong cái là nông dân chúng ăn thử ngay, nếu ngon vụ sau anh cứ chuẩn bị một lượng hàng thật lớn vào để tránh cháy giống. Nam Định có đặc điểm không vào thì thôi chứ đã được dân ưa là vào rất nhanh”.

Như ở Nam Định vụ mùa này, những giống lúa mẫn cảm đều bị cháy lá toàn bộ, năng suất tụt giảm rõ rệt, nhất là “hoa hậu” về gạo ngon Bắc thơm số 7. Trong khi ấy GL 105 có tỉ lệ lép 7,3%, thấp hơn hẳn đối chứng. Những giống lúa có tỷ lệ lép dưới 10% trong điều kiện gieo cấy vụ mùa được coi là có số đo lý tưởng.

Về độ chống chịu bệnh bạc lá giống này đạt cấp độ 1 tức là gần như không bị nhiễm, bệnh đạo ôn cũng không có, độ thuần đồng ruộng đạt rất cao. Về năng suất, GL 105 đạt 60 tạ/ha gần bằng giống lúa thuần BC 15 khi trồng ở trong khu vực (61 tạ/ha).

Năng suất cao, chống chịu tốt là chưa đủ đối với nông dân Nam Định mà còn phải đi kèm chất lượng nữa. Bởi thiên về chất chứ không nghiêng về lượng mà cơ cấu lúa của tỉnh này giống chất lượng chiếm đến 60 – 70%.

 Mắt thấy, tai nghe, tay sờ rồi nhiều đại biểu dự hội nghị đầu bờ đã bắt đầu thích nhưng chỉ tiếc mỗi một điều là chưa được miệng nếm xem cơm ăn thế nào, có mềm dẻo, đậm đà không.

Nguồn: nongnghiep.vn