HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ MÔ HÌNH GIỐNG CÀ CHUA VT5, VT10 VÀ MÔ HÌNH SẢN XUẤT RAU ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
Tham dự hội nghị có GS.TS Ngô Thế Dân – Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam; đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh: Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng; Lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ Hải Dương; Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến Nông; Trung tâm Khuyến Nông và Khuyến Ngư Hải Phòng; Ủy ban nhân dân Huyện Gia Lộc, Phòng Nông nghiệp huyện Gia Lộc; Công ty TNHH Giống cây trồng Hà Nội; Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam. Đưa tin về hội nghị có Đài Truyền hình VTC16, Đài truyền hình Hải Dương, Báo Hải Dương…
Năm 2014, Bộ môn Cây thực phẩm, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã triển khai khảo nghiệm 02 giống cà chua lai mới VT5, VT10 tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định và huyện Nam Sách, Hải Dương và xây dựng mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Qua thực tế thăm đồng, cũng như theo báo cáo của chủ nhiệm đề tài, các đại biểu tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định và huyện Nam Sách, Hải Dương; đều nhận xét đánh giá: giống cà chua VT5 và VT10 đều có ưu thế vượt trội so với giống VT3 và Savior đang được trồng phổ biến tại điiaj phương. Năng suất giống VT5 ước đạt 48 – 50 tấn/ha vụ xuân hè và 55 – 60 tấn/ha vụ thu đông. Năng suất giống VT10 ước đạt 60 – 65 tấn/ha vụ thu đông và 65 – 67 tấn/ha vụ đông. Năng suất 2 giống vượt 15 – 30% so với giống VT3 và 5 – 15% so với giống Savior.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm HTX DV Nông nghiệp xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, Hải Dương, Ông Nguyễn Thành Nho cho biết: Vụ Đông năm 2014, xã Quốc Tuấn triển khai xây dựng mô hình giống cà chua VT5 và VT10 quy mô 10 sào. Hai giống cà chua sinh trưởng, phát triển tốt, cây cứng khỏe, năng suất ước tính 1,5 – 1,8 tấn/sào, với giá hiện nay tại địa phương 10.000đ/kg bán buôn cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với cây lúa.
Ông Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương đánh giá rất cao mô hình trồng cà chua VT5, VT10, cũng như ghi nhận vai trò của các nhà chọn giống cà chua của Viện Cây lương thực và CTP, công tác tổ chức chỉ đạo sản xuất của Ban chủ nhiệm HTX DVNN Quốc Tuấn và sự cố gắng của nông dân xã Quốc Tuấn đã góp phần vào sự thành công của mô hình; mong muốn mô hình sẽ được nhân rộng trong các vụ tới trên khắp địa bàn Hải Dương.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Trần Thị Đính – Chuyên viên Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá rất cao sự thành công của mô hình. Để hai giống cà chua VT5, VT10 được công nhận sản xuất thử chủ nhiệm đề tài cần hoàn thiện quy trình sản xuất giống. Mô hình giống VT5, VT10 và Mô hình sản xuất rau Công nghệ cao muốn phát triển rộng và bền vững, các nhà khoa học cần phải kết hợp chặt chẽ hơn nữa với các nhà quản lý để cung cấp cho nông dân những gói kỹ thuật đồng bộ, từ việc chọn đất thích hợp, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý để tạo quỹ thời gian tốt nhất cho trồng cây cà chua, chọn tạo các giống cà chua, biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp và đặc biệt chú ý đến khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Bộ sẽ kết hợp cùng với Sở Nông nghiệp&PTNT có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương và nông dân để phát triển cây cà chua.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Sen