KHOA HỌC – CÔNG NGHỆ SẼ ĐỘT PHÁ CHO TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP
Ngày 6/12, Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN sẽ tổ chức Hội thảo “KH-CN phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới“. PV NNVN tiến hành tham khảo một số ý kiến nhà quản lý và DN đều nhận được sự đồng tình chọn KH-CN là khâu then chốt mang tính đột phá… Theo Vụ KH-CN&MT (Bộ NN-PTNT), nguồn vốn ngân sách dành cho sự nghiệp khoa học của Bộ trong 3 năm gần đây khoảng 700 tỷ đồng/năm. Trong đó, chi phí cho tiền lương cho 11 viện nghiên cứu trực thuộc Bộ chiếm khoảng 40% ngân sách. Chi phí trực tiếp cho công tác nghiên cứu khoa học khoảng 150 tỷ đồng/năm. Những đóng góp từ KH-CN trong tổng nguồn thu, ước tính chiếm khoảng 25 – 30%. Từ năm 2011 đến nay, Bộ NN-PTNT đã công nhận 138 giống cây trồng cho SX và 9 tiến bộ kỹ thuật. Trong 43 giống công nhận chính thức gồm 21 giống lúa, 4 giống ngô, 2 giống đậu tương, 1 giống sắn, 3 giống nấm, 5 giống hoa, 2 giống cây ăn quả, 2 giống mía, 1 giống điều và 2 giống tằm. Dự kiến, đến 2015 sẽ có khoảng 50 – 60 giống cây trồng sẽ được công nhận, trong đó nhóm cây lương thực, cây thực phẩm từ 35 – 40 giống, cây công nghiệp, cây ăn quả 15 – 20 giống. Sở dĩ các công trình khoa học về giống chiếm đa số là do trong những năm qua Bộ NN-PTNT tập trung mạnh vào lĩnh vực KH-CN mềm và giống là chương trình trọng điểm trong lĩnh vực công nghệ mềm. Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ KH-CN&MT, các cơ chế, chính sách, chế tài dành cho nghiên cứu KH-CN tại Việt Nam đã có từ lâu, song phải thừa nhận vẫn còn những bất cập khi chưa thu hút được DN tham gia đông đảo; các nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế còn thấp, chậm do nghiên cứu của ta phụ thuộc vào kế hoạch rất nhiều. Chính vì vậy, thời gian tới rất cần có sự đổi mới, điều chỉnh mạnh mẽ từ cả phía chính sách nhà nước cũng như phía DN để phù hợp hơn với thực tế, xu thế phát triển của KH-CN thế giới. “Về mặt luật pháp hiện nay không có bất cứ rào cản nào ngăn DN tham gia đấu thầu các đề tài nghiên cứu khoa học. Thậm chí nhiều đề tài ứng dụng, chuyển giao hiện nay còn yêu cầu bắt buộc phải có DN tham gia. Nhưng có một thực tế là hầu hết các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học đều làm việc ở các viện, trường, trung tâm nên dù tính ứng dụng rất cao nhưng phần lớn DN viết báo cáo không bằng các nhà khoa học. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các đề tài có sự hỗ trợ ngân sách hiện đều do những đơn vị nghiên cứu Nhà nước đảm nhiệm”, bà Thủy lý giải. Qua số liệu thống kế cho thấy, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao KH-CN trong nông nghiệp còn thấp so với yêu cầu, mới được khoảng 0,21% GDP nông nghiệp (Trung Quốc 1,55%, Hàn Quốc 3,4%). Hiện tại, nguồn lực đầu tư cho “Tam nông” chỉ đáp ứng khoảng 55 – 60% so với nhu cầu. Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ TCty Giống cây trồng Thái Bình, để kết quả nghiên cứu đến cuộc sống nhanh hơn phải thay đổi cách làm. Ông Báo cho rằng, chính yêu cầu của cuộc sống đặt hàng chứ không phải chủ trương đặt hàng các nghiên cứu. Và khi nghiên cứu phải xuất phát từ sản phẩm, bởi đó mới là cái xã hội cần. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng luôn phải cải tiến nên các nghiên cứu cũng phải liên tục đưa ra những sản phẩm mới tốt hơn. Để giải quyết vấn đề này, ông Báo cho rằng phải làm được mấy việc sau. Thứ nhất, phải hoạch định lại chiến lược phát triển hệ thống nghiên cứu trong ngành giống Việt Nam. Thứ hai, phân công rõ ràng vai trò của các chủ thể trong hệ thống đó. Thứ ba, xây dựng cơ chế liên kết lại với nhau để khai thác nguồn lực đang có… Giải quyết được vấn đề này thì chúng ta sẽ khai thác được nguồn lực và kết quả sẽ tốt hơn. Là DN tiên phong trong nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH-CN, ông Nguyễn Hồng Chính, GĐ đối ngoại Cty TNHH Dekalb Việt Nam (Tập đoàn Monsanto) chia sẻ, nhờ quá trình đầu tư cho KH-CN thống nhất, đồng bộ, quy mô từ toàn cầu đến địa phương, Dekalb Việt Nam tự hào đã giúp nông dân cải thiện năng suất và đời sống từ canh tác ngô. Mô hình “trồng dầy” của Dekalb Việt Nam đã trở thành nhân tố thúc đẩy giúp nông dân các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Đăk Lăk, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp tăng năng suất ngô lên ít nhất 30% so với năng suất ngô bình quân quốc gia. Hơn 8.000 nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang ngô tại ĐBSCL đã thu được năng suất gấp đôi năng suất bình quân quốc gia, thu nhập tăng từ 2,5 – 4 lần so với canh tác lúa trong năm 2013. “Một công nghệ mà Monsanto sắp giới thiệu tại Việt Nam chính là cây trồng biến đổi gen. Chúng tôi rất hy vọng khi đưa giống ngô này vào Việt Nam, nông dân Việt Nam cũng sẽ được hưởng những lợi ích mà cây trồng biến đổi gen đã đem lại cho hàng chục triệu nông dân trên toàn cầu trong suốt gần hai thập kỷ qua”, ông Chính tâm sự.
Nguồn: Báo Nông nghiệp