SANG MOZAMBIQUE DẠY TRỒNG LÚA
Ông Nguyễn Ngọc Long, Trưởng đoàn chuyên gia nông nghiệp Hà Nội – Việt Nam kể lại cảm giác của mình khi đến Mozambique cách đây ba năm, nhìn thấy ruộng lúa và… sốc nặng.
Không thể tưởng tượng ruộng lúa nào lại như thế. Cỏ ngập đến ngực, xung quanh bờ cỏ cao quá đầu người. Lúa và cỏ chen chúc. Nông dân chỉ có thói quen gieo hạt giống xuống rồi vùi đất lên. Đến mùa, được thì họ mang vỏ ốc ra ngắt lấy từng bông, nếu thất bại thì để cho chim trời rỉa…
Trên ruộng, lúa và cỏ chen chúc. Một thửa ruộng có đến ba loại cây. Dưới thấp là cây lúa, cao hơn chút là cây ngô và cao hơn cả là cây sắn. Ruộng đồng nhấp nhô chẳng hề được san phẳng. Cơ sở hạ tầng thấp kém.
Mặc dù Mozambique có hệ thống thủy lợi được người Bồ Đào Nha thiết kế, xây dựng nhưng do nhiều năm không duy tu, bảo dưỡng nên thành vô dụng.
Sân phơi, nhà kho, máy móc thu hoạch là những thứ hết sức xa lạ. Tập quán canh tác của người dân ở đây là gieo thẳng, tất cả phụ thuộc nước trời. Cuối tháng 12 trở đi khi có mưa xuống nông dân mang thóc giống ra ruộng gieo, sau đó cuốc lấp đất đi.
Mọi thứ bị bỏ mặc chờ đến khi lúa chín sẽ thu hoạch. Dụng cụ thu ho���ch là những con ốc sên để ngắt từng bông lúa một. Hiệu suất lao động rất thấp, thất thoát sau thu hoạch lớn.
Chuyên gia Trần Thị Thu Trang cho biết, ruộng rất nhiều sâu, bệnh thì nhiều nhất là đạo ôn. Thế nên họ phải dạy nông dân cách làm cỏ quanh ruộng để không bị sâu bệnh gây hại. Ngặt nỗi phía bạn lại không cho phun thuốc sâu nên chuyên gia Việt vừa làm vừa… run.
May thay sau đó mọi thứ đều tốt vì cân bằng sinh thái. Nhiều sâu đã có chim đến ăn, nhiều chuột đã có rắn đến bắt.
Trước khi đoàn chuyên gia của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đến đã có nhiều đoàn chuyên gia của Trung Quốc, Thái Lan, Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế- IRRI đến rồi đi, nếm chịu thất bại.
Đoàn Việt Nam ban đầu cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Lắm khó khăn bất ngờ đến tưởng như bỏ cuộc, tưởng chuyến này đi như một chuyến du lịch tự trả tiền. Nhưng vì danh dự quốc gia mà họ thêm quyết tâm.
Bí quyết thành công của họ chính là ba cùng (ăn cùng, ở cùng, làm cùng). Ở một nơi lạc hậu, chuyên gia đến dạy, nước hoa thơm phức, chỉ giáo sơ sơ rồi về khách sạn ăn, ngủ thì chỉ có nước cầm chắc thất bại. Hiểu được phong tục tập quán của nông dân bản địa, chuyên gia Việt Nam mới bắt tay vào công việc.
Bốn năm thực hiện dự án tại tỉnh Zambezia, điều kiện thời tiết vô cùng thuận lợi cho cây lúa, số giờ nắng cao, lượng mưa phù hợp. Hệ sinh thái ở đây cũng vô cùng tốt. Các giống lúa bản địa của tỉnh này chất lượng cũng rất tốt.
Đoàn có mang theo 5 giống lúa từ Việt Nam sang trồng thử. Chúng sinh trưởng tốt, giữ được năng suất nhưng chất lượng kém, ăn nhạt so với giống bản địa. Còn các giống bản địa chỉ cho năng suất 1,5 – 2 tấn/ha bởi cách canh tác lạc hậu.
Điểm trình diễn rất lớn, rộng tới cả trăm ha, ở Việt Nam chưa bao giờ làm lớn đến như vậy. Chia mô hình thành 5 nhóm, mỗi nhóm có một khuyến nông viên phụ trách và một nhóm trưởng trong hội dùng nước. Họp toàn thể các hộ nông dân để thống nhất về quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia mô hình rồi tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ khuyến nông huyện, cán bộ hội dùng nước.
Đoàn Việt Nam đã tổ chức 19 buổi tập huấn cho 550 lượt cán bộ, nông dân tham gia. Điều kiện phòng ốc không có, những lớp tập huấn diễn ra trong những cái lều lợp cỏ dựng sơ sài ngay trên bờ ruộng. Học rồi thực hành ngay. Chuyên gia thường xuyên xuống từng ruộng của nông dân để vận động, hướng dẫn trực tiếp.
Nhận thức của nông dân thay đổi rõ rệt. 80% đã nhận thức được ý nghĩa của việc vệ sinh đồng ruộng, của việc san phẳng đồng ruộng mặc dù chưa làm được nhiều do thiếu dụng cụ, do tốn công sức và thời gian. Trên 90% nông dân đã thay đổi tập quán từ gieo thẳng sang ngâm ủ, gieo mạ, cấy lúa, làm cỏ sục bùn.
Ngoài kỹ thuật, chuyên gia Việt Nam còn phải chỉ đạo cả việc sửa chữa để phục hồi hoạt động cống lấy nước đầu kênh, kè bờ sông, gia cố những đoạn đê bao sạt lở, xây dựng mẫu cống điều tiết nước trên kênh. Do vậy mà 70% diện tích cấy lúa trong mô hình đã được tưới tiêu.
Kết quả là toàn bộ mô hình đạt năng suất 4,1 tấn/ha cao hơn gấp đôi so với canh tác kiểu truyền thống ở đây. Đoàn chuyên gia còn biên soạn ba cuốn sổ tay kỹ thuật SX lúa giống, sổ tay hướng dẫn canh tác lúa, sổ tay kỹ thuật duy tu, bảo dưỡng, vận hành hệ thống thủy lợi và tưới tiêu để cho cán bộ, nông dân có “kim chỉ nam” hành động khi không có người Việt ở bên.
Rất nhiều đoàn quốc tế đã biết tiếng đến mô hình, đề nghị học hỏi, mở rộng. Tuy nhiên có một lo ngại là sau khi chuyên gia Việt Nam về nước những kỹ thuật này cũng về theo bởi diện tích chuyển giao còn khiêm tốn, bởi mức độ tuyên truyền còn chưa được nhiều. Thế nên phía Mozambique đã tha thiết đề nghị mở rộng thêm mô hình hơn nữa trong thời gian tới.
Nguồn: Báo NNVN