GIỐNG DONG RIỀNG DR1

GIỐNG DONG RIỀNG DR1

  1. Nguồn gốc

Giống dong riềng DR1 được thu thập tại Hòa Bình, năm 1993-1994 (tên trong tập đoàn là:V-C). Năm 2004 giống V-C được đổi tên là giống DR1.

Giống dong riềng DR1 được Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT cho phép sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc theo Quyết định số 608/QĐ-TT-CLT ngày 14/12/2010.

Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Thiếu Hùng, Đỗ Thị Bích Nga, Trịnh Văn Mỵ, Trần Thị Thanh Hương, Đào Huy Chiên, Lê Thị Thuấn – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ – Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm; Trần Ngọc Ngò – Phòng Nông nghiệp huyện Bình Liêu – Quảng Ninh.

      2. Đặc điểm

– Thời gian sinh trưởng ngắn: 250-280 ngày.

– Giống DR1 sinh trưởng phát triển mạnh, cây cao trung bình (165-185cm),  ít đổ. Củ nạc, đồng đều, ruột trắng được nông dân ưa chuộng.

– Năng suất củ tươi đạt: 45 – 60 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 13.36- 16.4%

– Giống dong riềng DR1 có thể phát triển tốt ở các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng sông Hồng, có khả năng chịu hạn tốt, chịu rét khá và chống chịu bệnh khô lá.

– Khả năng thích ứng rộng, có thể trồng được ở nhiều loại đất, kể các các vùng đất nghèo dinh dưỡng.

  1. Kỹ thuật trồng

      3.1. Chọn giống:  Chọn củ bánh tẻ, nhiều mầm, không xây xát,không sâu bệnh. Lượng giống: 1500-2000kg/ha, tùy theo kích cỡ củ giống.

 3.2. Chọn đất và làm đất

Cây dong riềng là loại cây có thể trồng ở mọi nơi với độ cao từ 1m- 2500m2 so với mặt nước biển, như: đồi núi,vườn, sân bãi bạc màu, mặn cớm nắng…Nhưng trên đất xốp, nhiều mùn, nơi đủ ẩm, có nắng thì dong riềng phát triển mạnh,cho năng suất củ cao, phẩm chất tốt.Chính vì vậy các vùng đất bãi, phù sa ven sông rất thích hợp nhất.

Dong riềng phát triển củ theo chiều ngang, rễ cây ăn sâu do vậy làm đất phải chú ý cày sâu 15-20 cm, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ.

+  Nếu trồng dong riềng trên đất đồi núi, đất đá, bãi thoát nước thì không cần phải làm đất mà sau khi dọn cỏ, bổ hốc rộng khoảng 20cm x 20cm, sâu khoảng 20 x 25cm rồi trồng. đất hót ra để phía trên dốc, gặp mưa, màu dồn xuống hố, bổ xung thêm dinh dưỡng cho cây.

+ Nêú trồng trên đất ruộng, vườn, bãi đọng nước thì cần lên luống rộng  140cm.

3.3. Phân bón:

Dong riềng là cây dễ trồng nhưng do thời gian sinh trưởng phát triển dài(280ngày) nên lượng phân cung cấp cho cây cần bón rải và hợp lý theo từng đợt  thì sẽ cho năng suất cao. Nếu đất chua cần bón thêm vôi. Là loại cây ăn củ nên dong riềng  cần nhiều phân kali, nhưng cũng cần phân đạm, lân và các nguyên tố vi lượng khác, tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng để bón. Phân có gốc sunphat tốt hơn gốc clorua.

Lượng phân (tính cho 1 ha):

Phân hữu cơ 10 -15 tấn : 200 kg N : 120 kg P205 :  200 kg K20

–  Cách bón:

Bón lót: Toàn bộ phân hữu cơ và lân.

Bón thúc lần 1: Khi cấy 5-6 lá: Bón 1/3 đạm + 1/3 kali(Cây sinh trưởng phát triển và đẻ nhánh nhanh)

Bón thúc lần 2: Sau lần 1 từ 30-45 ngày: Bón 1/3 lượng đạm, 1/3 kali (thúc đẩy cây sinh trưởng phát triển)

Bón thúc lần 3: Sau lần 2 khoảng 50-60 ngày: Bón nốt số phân còn lại( Thúc đẩy củ phát triển)

Ngoài ra, muốn củ phát triển tốt nên dùng rơm rác, lá xanh… phủ gốc làm xốp đất, giữ ẩm cho củ ăn lên và cung cấp thức ăn cho cây.

       3.4. Thời vụ trồng:

Dong riềng  được trồng từ tháng 2 đến tháng 5, tốt nhất là từ 5/2 đến 15/2.

      3.5. Mật độ và khoảng cách trồng:

Củ dong riềng là do quá trình phình to của thân rễ mà thành. Do đó mật độ trồng có tác động đến sự sinh trưởng phát triển của thân lá và thân củ cây dong riềng.

  • Mật độ trồng khoảng 30.000-40.000 cây/ha (tùy theo địa hình đất).
  • Cách trồng: Sau khi xẻ rãnh hoặc bổ hốc xong, bón phân hữu cơ đã trộn với lân vào, phủ lớp đất mỏng, đặt củ vào, củ giống đặt sâu 12-15cm, mầm hướng lên và phủ lên trên lớp đất mỏng. Sau trồng nếu có rơm rạ phủ giữ ẩm mặt luống giữ ẩm là tốt nhất.

  3.6. Chăm sóc:

– Làm cỏ, xới xáo và vun luống: Làm cỏ, bón phân và vun xới thường là những công việc kết hợp với nhau và tiến hành làm cùng đợt chăm sóc.

       + Chăm sóc đợt 1: Khi cây 5-6 lá làm cỏ, xới xáo nhẹ kết hợp bón  thúc đợt 1. Khi bón phân thúc thì bón cách gốc 10-15 cm hoặc bón giữa 2 khóm. Không bón phân trực tiếp vào gốc cây, làm cây chết.

       + Chăm sóc đợt 2: Sau chăm sóc đợt 1 từ 30-45 ngày làm cỏ, xới xáo, vun gốc chống đổ khi mưa bão.

       + Chăm sóc đợt cuối: Sau chăm sóc đợt 2 khoảng 50-60 ngày, xới nhẹ, làm cỏ bón nốt lượng phân còn lại kết hợp vun lần cuối (phòng khi mưa bão đọng nước).

Mỗi lần vun xới xong, nếu có mùn rác mục hoặc trấu đem phủ vào gốc làm đất xốp thêm thì cây cho củ càng to và năng suất càng cao.

  • Tưới nước: Thường cây dong riềng được trồng trong hệ thống canh tác sử dụng nước trời nên thời vụ trồng thường bắt đầu khi vào xuân, có mưa phùn để mầm mọc nhanh. Nếu trồng trong điều kiện tưới tiêu chủ động thì nên tưới rãnh đầy đủ cho cây vào các giai đoạn phát triển bộ phận thân lá mạnh và giai đoạn bắt đầu phình to củ.

      3.7.Phòng trừ sâu bệnh:

Một số loại sâu bệnh hại  chính trên cây dong riềng như: sâu khoang, bệnh cháy lá, ngoài ra còn xuất hiện câu cấu, sâu róm, bọ nẹt…

       *Sâu khoang: Gây hại trên nhiều loại cây trồng trong đó có dong riềng hại ở giai đoạn đầu sinh trưởng của cây hại nặng nhất khi cây 5-10 lá.

       Biện pháp phòng trừ:

Kiểm tra vườn dong riềng thường xuyên để phát hiện sâu bệnh hại kịp thời.

– Dọn sạch cỏ dại là nơi trú ngụ của sâu bệnh hại.

– Bón phân cân đối, không bón thừa đạm.

– Dùng bả chua ngọt để bắt, diệt trưởng thành.

– Diệt ổ trứng và sâu non bằng tay (sâu thường ẩn kín trong nõn lá);

– Khi mật độ sâu cao, sâu non mới nở (tuổi nhỏ): Dùng thuốc Patox 95SP, Karate 2.5EC, SecSaigon 5EC… phun vào buổi chiều mát.

       *Bệnh khô lá: Bệnh khô lá ở dong riềng thường xuất hiện ở giai đoạn 150-180 ngày sau trồng

      Biện pháp phòng trừ:

-Chọn giống sạch bệnh

-Trồng mật độ thích hợp

-Bón phân cân đối để cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh.

-Vệ sinh đồng ruộng

Khi cần thiết có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như: Tylsupe 300 EC … phun thuốc ướt đều hai mặt lá.

Dong riềng là loại cây ít bị sâu hại. chủ yếu là sâu khoang và bọ nẹt nhưng gây hại không đáng kể.

Bệnh khô lá ở dong riềng thường xuất hiện ở giai đoạn 150-180 ngày sau trồng nên cần lưu ý phòng bệnh khô lá như : chọn giống tốt sạch bệnh, vệ sinh đồng ruộng, nhổ bỏ cây bệnh.

      3.8. Trồng xen:

DR1 có thể trồng xen được với nhiều loại cây khác như: cây ăn quả, xen ngô, xen đậu tương. Sau khi thu hoạch ngô và đậu tương thì làm cỏ, bón phân thúc vun luống cho dong riềng đồng thời lấy thân lá cây trồng xen phủ luống dong riềng.

3.9. Thu hoạch và bảo quản:

+ Thu hoạch: Khi thấy cây chững lại thân lá chuyển màu vàng, cây rạc dần, nhiều lá gần gốc đã khô là cây đã già có thể thu hoạch đư­ợc (nếu thu hoạch sớm ảnh hưởng lớn đến năng suất và hàm lượng tinh bột)

+Bảo quản tinh bột dong riềng:( 2 cách)

Bảo quản khô

Bột ẩm được đem đi phơi khoảng 4-5 nắng khi ẩm độ còn khoảng 12-13 % thì đem đóng vào bao xác rắn có lót một lớp ly non hoặc quây cót, trải  một lượt ly non bên trong rồi đổ bột khô vào, đậy kín khi cần đem sử dụng. Bằng cách này có thể để tinh bột dong riềng từ 2-3 năm mà không sợ hỏng.

 Bảo quản dạng ẩm

Bột ẩm không đem phơi mà cho vào túi bao xác rắn trong có lót một lượt ly non sau đó buộc kín để nơi thoáng mát. Bằng cách này có thể để được 5-6 tháng sau chế biến.

       4. Hướng sử dụng

Có thể sử dụng để chế biến tinh bột, ăn tươi hoặc làm thức ăn gia súc, đặc biệt chất lượng củ DR1 rất thích hợp cho yêu cầu chế biến công nghiệp.

       5. Địa chỉ đã áp dụng thành công

Huyện Bình Liêu – Quảng Ninh;  Huyện Lộc Ninh – Bình Phước; Huyện khoái Châu – Hưng Yên; Văn Bàn- Lao Cai; Bắc Kạn; Hà Nam….

       6. Địa chỉ liên hệ giống:

Trung Tâm nghiên cứu và phát triển cây có củ-Viện cây lương thực và cây thực phẩm-Vĩnh Quỳnh – Thanh Trì- Hà Nội

Điên thoại : 0243.8615485;                   FAX:043. 8616821

Một số hình ảnh của giống