GIỐNG DƯA CHUỘT LAI F1 (VC09)

GIỐNG DƯA CHUỘT LAI F1 (VC09)

  1. Thông tin chung: – Giống dưa chuột VC09 là giống dưa chuột lai F1 do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tạo ra từ tổ hợp lai (TL67♀ x DL07). Giống được tự công bố lưu hành tại văn bản số 234/QĐ-VCLT-KH, ngày 27/7/2023 của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm
  2. Nhóm tác giả: ThS. Nguyễn Đình Thiều, TS. Đoàn Xuân Cảnh, ThS. Nguyễn Văn Tân, ThS. Đỗ Thị Thủy, KS. Trịnh Thị Lan và ThS. Trương Thị Thương.
  3. Đặc điểm chính của giống: Giống có khả năng sinh trưởng phát triển khỏe, năng suất cao và chất lượng tốt ở cả 2 vụ xuân hè và thu đông. Thời gian sinh trưởng 90 – 100 ngày,  sau trồng 42 – 48 ngày bắt đầu cho thu quả đầu, thời gian cho thu quả từ 30 – 40 ngày. Thân, lá có màu xanh đậm, phân nhánh trung bình 3,3 – 4,5 nhánh. Vỏ quả có màu xanh đậm, gai trắng, quả dài dao động từ 20,2 – 22,3 cm, đường kính  3,2 – 3,5 cm. Khối lượng trung bình quả dao động từ 149 – 163 gram/quả. Năng suất trung bình đạt 44,57 – 50,14 tấn/ha. Khả năng chống chịu bệnh giả sương mai khá.
  4. Phạm vi áp dụng: Giống phù hợp trồng tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc.
  5. Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc

5.1.  Thời vụ trồng

            Vụ xuân hè: Gieo hạt 15/2 – 25/2

            Vụ thu đông: Gieo hạt 15/8-25/8

5.2. Kỹ thuật sản xuất cây con giống

            – Cây con giống được sản xuất trong khay xốp 84 lỗ/khay, mật độ 588 cây/m2, khoảng cách giữa các cây con khoảng 3 đến 4 cm.

            – Giá thể dùng để làm bầu gồm: (30% đất phù sa + 55% (xơ dừa, trấu hun) + 15% (mùn mục) + (5 gam đạm ure + 15 gam supelân)/100 kg hỗn hợp) hoặc (30% đất phù sa + 60% xơ dừa + 10% trấu hun) kết hợp với dinh dưỡng NPK (16:16:8-TE), lượng bón 4 – 5 gam/m2, pha loãng nồng độ 0,5% bổ sung một lần vào giai đoạn khi cây được 5-7 ngày sau mọc. Giá thể được xử lý cho sạch bệnh và chuẩn bị trước khi sử dụng 5-10 ngày.

            – Lượng hạt dùng cho 1 ha cần khoảng 0,8 -1,0 kg (cả dự phòng).

            – Xử lý hạt giống: Hạt dưa được ngâm bằng nước sạch trong 4-5 giờ sau đó ngâm ủ nứt nanh rồi gieo. Hạt gieo vào các bầu trên khay tương ứng 1 hạt/bầu. Sau khi gieo hạt phủ một lớp giá thể mỏng vừa che kín hạt và phủ trên một lớp trấu hoặc xơ dừa để giữ ẩm, giữ ấm và chống trôi hạt khi tưới. Khay bầu để trong nhà lưới hoặc nhà có mái che, tưới nước đủ ẩm không nên tưới nhiều nước hoặc quá khô ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt và chất lượng cây giống.

            Cần hạn chế tưới nước khoảng 2-3 ngày trước khi trồng cho cây cứng khoẻ, tuy nhiên cần tưới đẫm cho cây con trước khi nhổ 3-5 giờ để tránh vỡ bầu, đứt rễ.

            Tiêu chuẩn cây giống: Cây cao 7-8 cm, có 1-2 lá thật, thân cứng, mập, lá xanh đậm, không bị sâu, bệnh hại.

5.3. Chuẩn bị đất và trồng cây

  1. Chọn đất và chuẩn bị đất trồng

            Tốt nhất nên chọn chân đất giàu mùn, tơi xốp, dễ thoát nước, không bị ảnh hưởng của các tác nhân gây ô nhiễm (ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước và ô nhiễm không khí…) đất có độ pH 5,5- 6,0. Hạn chế trồng dưa chuột trên đất vụ trước đã trồng các loại cây họ bầu bí :dưa hấu, dưa lê… Nên trồng dưa chuột với các cây trồng khác họ, đặc biệt là luân canh với lúa nước.

            Luống trồng dưa chuột rộng 1,5-1,6 m, lên cao 25-30 cm. Mặt luống rộng khoảng 1,1 – 1,2 m, rãnh luống để rộng khoảng 30-35 cm để tiện đi lại chăm sóc. Xử lý đất trước khi trồng bằng các loại thuốc như Vibam 10H lượng dùng theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc.        

  1. Cách trồng và khoảng cách

            Tốt nhất nên trồng cây vào buổi chiều mát hoặc những ngày râm mát, không trồng cây khi thời tiết nắng, nóng. Không trồng cây trực tiếp vào chỗ có phân. Đặt cây con cạnh hốc phân, một tay giữ cây cho thẳng, tay kia vun đất nhỏ lấp vào, ấn nhẹ cho chặt rễ và giúp cây đứng thẳng.

            Mật độ trồng khoảng 3,0 vạn cây/ha, khoảng cách 70cm x 40 cm.

5.4. Lượng phân bón và cách bón

  1. Lượng phân bón: Sản xuất 01 ha cần: 150kg N+ 90kg P2O5+ 150kg K2O +

10 tấn phân hữu cơ vi sinh tương đương khoảng:

            – Phân hữu cơ sông Gianh: 10 tấn/ha (350 kg/sào)

            – Đạm urê: 320 kg/ha (11,0 kg/sào)

            – Super lân: 450 kg/ha (16,0 kg/sào)

            – Kali Clorua: 250 kg/ha (9,5 kg/sào)

            – Vôi: Tuỳ theo độ pH đất

  1. Cách bón

            – Bón lót : Đánh rạch bón toàn bộ phân hữu cơ, phân lân, vôi bột vào giữa luống, được đảo đều với đất và lấp đất trước khi trồng 2 – 3 ngày.

            – Bón thúc lần 1 : Sau trồng 6 – 7 ngày khi cây bén rễ hồi xanh, sử dụng 5% đạm + 5% kali pha loãng tưới nhử cho cây.

            – Bón thúc lần 2 : Sau trồng 10 – 12  ngày, sử dụng 30% đạm + 30% kali trộn đều, rắc vào giữa luống kết hợp xới xáo vun luống đợt 1.

            – Bón thúc lần 3 : Sau trồng 30 – 35 ngày, sử dụng 40% đạm + 40% kali trộn đều, rắc vào giữa luống kết hợp xới xáo vun luống đợt 2.

            – Bón thúc lần 4 : Số phân còn lại chia làm 3 lần, tưới định kỳ 7 – 10 ngày/lần trong thời gian thu quả.

            Trường hợp cây sinh trưởng phát triển kém bổ sung thêm phân NPK (16 : 16 : 8) pha loãng với nồng độ 5% tưới vào giữa luống.

5.5. Chăm sóc

            Luôn giữ ẩm cho cây, nhất là ở giai đoạn đầu và giai thu hoạch quả. Trong thời gian thu hoạch luôn bảo đảm nước 1/4 trong rãnh luống. Khi gặp mưa to cần có biện pháp rút hết nước không để ngập úng.

             Sau khi trồng khoảng 20 – 25 ngày cần phải làm giàn để cho cây leo. Có thể áp dụng các biện pháp làm giàn kiểu chữ A,  cây dóc dài 2,8 đến 3,0 m . Sau khi cắm giàn, dùng dây nilon mềm buộc cây lên giàn theo hình số 8, điểm buộc cách mặt đất 40 -50 cm (mè thứ nhất), hoặc dùng lưới nhựa mền mắt cáo kéo làm giàn cho cây leo.

            Cần phải thường xuyên bấm nhánh, tỉa cành cho dưa chuột, loại bỏ những nhánh yếu chỉ giữ lại  1-2 nhánh khoẻ  ở lá thứ 2, thứ 3. 

5.6. Phòng trừ sâu bệnh

  1. Các loại bệnh hại chủ yếu:

     – Bệnh lở cổ rễ, bệnh héo rũ ở cây con: Dùng thuốc có hoạt chất Validamycin (Validacin 5L, Vida 3SC, Valivithaco 3SC…) hoặc hoạt chất Mancozeb (Ridomil Gold 68WP), Kasugamycin (Kasumin 2L), pha nồng độ 0,1 – 0,2% phun vào buổi chiều mát, không mưa.

            – Bệnh giả sương mai: Là loại bệnh hại trên mọi bộ phận của lá, đặc biệt khi trời mưa phùn, âm u kéo dài, độ ẩm cao thiếu ánh nắng có thể dùng các loại thuốc có hoạt chất như Mancozeb (Ridomil Gold 68WP, M8) nồng độ 0,2-0,25%, Zineb (Zineb 80WP) nồng độ 0,25-0,3%, Boóc đô… để phun phòng và trừ.

            – Bệnh phấn trắng: Bệnh này thường xuất hiện trên mặt lá khi điều kiện thời tiết khô, nóng. Dùng các loại thuốc có hoạt chất như: Hexaconazole, Azoxystrobin, Iminoctadine hay các hỗn hợp (Mandipropamid + Chlorothalonil), (Anvil 5SC, Bellkute 40WP, Daconil 75WP, Bavistyl 50 FL) pha nồng độ 0,1% phun vào buổi chiều mát, không mưa.  

  1. Các loại sâu hại chủ yếu:

            – Rệp xanh (Aphis sp): Dùng thuốc có hoạt chất Benfuracarb, Buprofezin (  Oncol 20EC, Butyl 20wp phun nồng độ 0,15- 0,2% phun đều, đặc biệt phun trực tiếp vào các ổ rệp.

            – Giòi đục lá: Dùng thuốc có hoạt chất Dinotefuran,  Imidacloprid (Oshin 20WP, Conidor 100sl, Baythroid 50sl).

            – Bọ trĩ, bọ phấn trắng: Dùng thuốc có hoạt chất Acetamiprid 20% + Buprofezin, Imidacloprid, Cyantraniliprole (Penalty 40WP,  Admire 500SC, Conidor 100sl, Benevia 100OD).

 5.7. Thu hoạch và bảo quản

            Bình thường thu hoạch dưa chuột lai F1 (VC09) sau trồng 40 – 45 ngày, thu hoạch đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc.

            Thu hoạch đúng lúc, đúng lứa quả, thu vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, không để xây sát, dập nát, thu quả có đường kính 3,2 – 3,5 cm, quả dài 20 – 22 cm cho năng suất cao nhất, đảm bảo chất lượng.

6. ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ

Bộ môn Cây thực phẩm và Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.

+ Địa chỉ: Xã Liên Hồng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương

+ Điện thoại: 0220 3716386

+ Fax: 0220 3716385