GIỐNG KHOAI LANG KLC3

GIỐNG KHOAI LANG KLC3

 

 

 

 

 

 

1. Nguồn gốc, tác giả: Giống khoai lang KLC3 được chọn lọc từ tổ hợp lai tự nhiên (Open Pollinated) của giống HT3 có nguồn gốc từ Hà Nội do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm lai tạo và chọn lọc. Giống khoai lang KLC3 được Hội đồng Khoa Học Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông qua đề nghị sản xuất thử ngày 10/7/2017.

2. Đặc điểm chính của giống:

– Dạng thân: thân nửa đứng, thân cây mập, phân cành tốt và có màu xanh.

– Dạng lá: lá hình tim, có khía mép lá; màu xanh; gân màu xanh; ngọn và lá non màu xanh.

– Dạng củ: dạng củ thuôn dài, nhẵn, vỏ củ màu hồng nhạt, màu thịt củ màu vàng.

– Thời gian sinh trưởng: vụ đông 110 – 120 ngày, vụ xuân từ 130 – 140 ngày.

– Khả năng sinh trưởng phát triển mạnh, khả năng tái sinh thân lá tốt.

– Năng suất: năng suất củ tươi đạt 19,7 tấn/ha – 22,1 tấn/ha (vụ đông); đạt 20,2 – 24,5 tấn/ha (vụ xuân).

– Hàm lượng chất khô đạt từ 29 – 30% (vụ đông); 31,4% trong vụ xuân; Hàm lượng tinh bột đạt 20,9%.

– Chất lượng ăn nếm: độ bở đạt 2,4 điểm và độ ngọt 1,3 điểm.

3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

3.1. Chuẩn bị giống, đất trồng         

– Nhân giống: bằng dây hoặc bằng củ. Dây giống khoẻ mạnh, không sâu bệnh, không non quá hoặc quá già, dây chưa mọc rễ củ. Tuổi dây giống từ 45 – 60 ngày tuổi.

– Chọn dây bánh tẻ (đoạn 1 và đoạn 2), chiều dài từ 30-35 cm, mỗi đoạn có khoảng 5 – 7 đốt mắt.

– Làm đất: Vụ đông lên luống rộng 1,1 – 1,2m, cao 30 – 35 cm, riêng vụ xuân lên luống rộng (1,3 – 1,4 m) và cao hơn (30 – 40 cm) nhằm thoát nước kịp thời khi gặp trời mưa.

3.2. Thời vụ

– Vụ Đông: trồng cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9, (kết thúc ngày 25 tháng 9).

– Vụ Xuân: trồng vào 01/02 đến 20/02

3.3. Kỹ thuật trồng

– Mật độ: vụ đông trồng từ 37.000 – 42.000 dây/ha tương đương 1.300 – 1.500 dây/sào; vụ xuân trồng từ 33.000 – 37.000 dây/ha (1.100 – 1.300 dây/sào).

– Trồng hàng đơn, vùi dây thành 01 hàng dọc thẳng luống, nối đuôi nhau. Ngọn dây trồng trên mặt luống khoảng 5 – 10 cm, chỉ để 5 lá non trên ngọn.

3.4. Phân bón: (tính cho 1 ha)

– Phân hữu cơ: 8-10 tấn phân chuồng, hoặc 1 tấn phân hữu cơ vi sinh hoặc 5 – 6 tấn rơm rạ/ha.

– Phân NPK: 60kg N + 30kg P2O5 + 90kg K2O/ha (tương ứng với 5 kg đạm urê + 7 kg lân supe + 7 kg kali clorua /1 sào).

– Cách bón: Bón lót 100% phân chuồng +100% lân supe + 50% đạm + 30% kali. Bón thúc sau trồng 25 – 30 ngày: 50% đạm + 70% kali còn lại kết hợp với vun xới và tưới nước.

3.5.  Kỹ thuật chăm sóc

– Bấm ngọn 25-30 ngày sau trồng, giúp phân cành, đẻ nhánh và phủ tán nhanh.

– Nhấc dây và cắt tỉa dây lá: 45-50 ngày sau trồng, nhấc lên rồi đặt xuống đúng chỗ, để làm đứt rễ phụ. Nếu dây lá phát triển quá tốt ở giai đoạn đầu nên cắt tỉa bớt những dây dài quá chân luống.

– Thường xuyên giữ ẩm đất, độ ẩm thích hợp, nếu đất khô cần tưới rãnh (cho nước vào rãnh đến 2/3 luống, sau 1 đêm cầm tháo cạn).

3.6. Phòng trừ sâu bệnh: thưòng xuyên thăm đồng để phát hiện kịp thời để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

– Bọ hà: Vun cao luống giữ đất ẩm; Luân canh với lúa nước; Dùng bẫy pheromone giới tính bọ hà.

– Bệnh thối củ: Hạn chế t­­ưới n­­ước ở giai đoạn cuối. Nên trồng trên chân đất cao khả năng thoát nước tốt.

3.7. Thu hoạch: Thu hoạch khi cây có các lá gốc ngả vàng thì tiến hành thu hoạch; nên thu hoạch vào ngày không mưa và khô ráo.

4. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

– Loại đất: Đất cát pha, đất thịt nhẹ

– Thời vụ: vụ Đông (đầu tháng 9 và kết thúc trồng vào 25/9)

Vụ Xuân (đầu tháng 01)

Vụ Xuân hạ (trồng từ tháng 01 đến tháng 04)

5. Điển hình đã áp dụng thành công:

– Xã Mai Trung, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang

– Xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc

– Xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

6. Địa chỉ liên hệ giống:

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ

Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Liên Hồng, Gia Lộc, Hải Dương

Điện thoại: 0220.3716.391