GIỐNG LÚA HD11

GIỐNG LÚA HD11

I, THÔNG TIN CHUNG

  1. Nguồn gốc

– Giống lúa thuần HD11 do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo từ tổ hợp lai HDT8/Tequing. Giống được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành tại Quyết định số 314/QĐ-TT-CLT, ngày 08/12/2020.

            – Nhóm tác giả: Dương Xuân Tú, Tống Thị Huyền, Tăng Thị Diệp, Phạm Thiên Thành, Lê Thị Thanh, Nguyễn Trọng Khanh và cộng tác viên.

  1. Đặc điểm

Giống lúa HD11 là giống cảm ôn, thích ứng rộng, thời gian sinh trưởng 134-135 ngày (vụ xuân) và 110 ngày (vụ mùa). Giống đẻ nhánh khá, chiều cao cây 116-121 cm; Số bông hữu hiệu/khóm 4,6-5,3 bông, số hạt/bông 166-185 hạt, khối lượng 1.000 hạt  23,0- 24,7 gram. Chiều dài hạt gạo 6,34-6,44 mm, tỷ lệ gạo xát đạt 69,27-72,3%, tỷ lệ gạo trắng trong 88,32-89,58%, hàm lượng amylose 17,04-18,4%, cơm thơm (điểm 3,2-3,3), ngon (điểm 3,0-3,6). Năng suất đạt 63,35-70,5 tạ/ha (vụ xuân), 54,72-60,6 tạ/ha (vụ mùa). Giống chống chịu tốt sâu bệnh, khả năng chống đổ tốt.

  1. Phạm vi áp dụng: Chân đất vàn và vàn cao tại các tỉnh phía Bắc

II, HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT CANH TÁC

    1. Lượng giống sử dụng: 40-50 kg/ha (gieo cấy), 35-40 kg/ha (gieo thẳng).
    2. Thời vụ và mật độ gieo cấy:

    Tham khảo lịch của địa phương để gieo cấy cho phù hợp.

    Tại các tỉnh miền núi phía Bắc: Vụ Xuân gieo mạ ngày 20/01, vụ mùa gieo mạ ngày 10/6, cấy khi tuổi mạ được 2-3 lá. Mật độ cấy 40 khóm/m2, cấy 2-3 dảnh/khóm.

    – Tại các tỉnh ĐBSH: Vụ Xuân gieo mạ ngày 25/01, vụ mùa gieo mạ ngày 20/6, cấy khi tuổi mạ được 2-3 lá. Mật độ cấy 30-40 khóm/m2, cấy 2-3 dảnh/khóm.

    – Tại các tỉnh Bắc Trung bộ: Vụ đông xuân gieo mạ ngày 05/01, vụ hè thu gieo mạ ngày 20/5, cấy khi tuổi mạ được 3-4 lá. Mật độ cấy 30 khóm/m2, cấy 2-3 dảnh/khóm.

    1. Phân bón (01 ha):

    * Lượng phân:

    Vụ xuân: 1,0 tấn phân hữu cơ vi sinh + 110 kg N + 90 kg P2O5 + 90 kg K2O

    Vụ mùa: 1,0 tấn phân hữu cơ vi sinh + 90 kg N + 90 kg P2O5 + 90 kg K2O

    Ghi chú: Có thể sử dụng phân tổng hợp NPK với lượng quy đổi theo mức N, P, K như đã khuyến cáo, hoặc thay thế phân hữu cơ vi sinh bằng phân chuồng.

    *  Cách bón: Cần bón phân tập trung ngay ở giai đoạn đầu tạo cho cây lúa đẻ nhánh nhanh và tập trung. Bón thành 3 đợt:

    + Bón lót toàn bộ phân chuồng hoặc phân HCVS + 100% lân + 30% đạm + 10% kali.

    + Bón thúc: 50% đạm khi lúa bén rễ hồi xanh +40% kali

    + Bón nuôi đòng: Bón toàn bộ lượng phân còn lại khi lúa đứng cái, làm đòng

    1. Chăm sóc

    – Phun thuốc trừ cỏ sau khi cấy, luôn giữ mặt ruộng thông thoáng tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh tốt.

    – Điều tiết nước trong ruộng lúa hợp lý: thời kỳ lúa đẻ nhánh mức nước ở mức 2 – 3cm; không để hạn xảy ra vào thời kỳ lúa làm đòng và trỗ.

    1. Phòng trừ sâu bệnh

    Giống HD11 nhiễm nhẹ đốm nâu nên giai đoạn trỗ và sau trỗ phun phòng trừ các loại thuốc: Tilt sufer, Voliam Targo, oshin.

    Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh khác theo sự hướng dẫn chỉ đạo của địa phương sản xuất. Tuy nhiên để đảm bảo năng suất nên thường xuyên thăm và kiểm tra ruộng cấy, giai đoạn trỗ nên phun phòng trừ sâu đục thân và cuốn lá, khô vằn.

    1. Thu hoạch

    Nên thu hoạch khi 85-90% số hạt trên bông chín để đảm bảo cho năng suất và chất lượng gạo ngon. Đối với các tỉnh Bắc trung bộ cần thu ở thời điểm sớm hơn để đảm bảo chất lượng và chống thất thoát về năng suất.

III. ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ

Bộ môn Công nghệ sinh học, Sinh lý Sinh hóa và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm

+ Địa chỉ: Xã Liên Hồng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương

+ Điện thoại: 02203 716 463;         DĐ: 0912 565  862         + Fax: 02203 716 385