GIỐNG LÚA P376
GIỐNG LÚA P376
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Trọng Khanh, Mai Thị Miên, Đỗ Thế Hiếu – Viện cây lương thực và Cây thực phẩm và nhóm cộng tác viên ĐANN-08
Nguồn gốc: Giống lúa P376 được chọn lọc từ nguồn nhập nội.
Giống được công nhận chính thức năm 2013 theo quyết định số 70/QĐ-BNN-TT, ngày 28 tháng 2 năm 2013.
2. Một số đặc điểm chính
– Thời gian sinh trưởng: vụ mùa 115-120 ngày, vụ xuân 140-145 ngày.
– Giống lúa P376 có kiểu hình thâm canh, thân lá đứng cứng, uốn lòng mo, chiều cao cây: 115-120 cm.
– Bông to, dài: 28 – 30cm, số hạt/bông: 160 – 170 hạt, tỷ lệ hạt chắc/bông cao (>90%), hạt gạo nhỏ dài (6,8mm), trong, ít bạc bụng, hàm lượng amylose 18-20%, cơm mềm, đậm.
– P376 nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn, khô vằn, kháng khá với bệnh bạc lá và rầy nâu , khả năng chịu rét và chống đổ khá, hạt vào chắc tập trung, độ thuần ổn định.
– P376 nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn, khô vằn, kháng khá với bệnh bạc lá và rầy nâu , khả năng chịu rét và chống đổ khá, hạt vào chắc tập trung, độ thuần ổn định.
– P376 là giống lúa chịu thâm canh, năng suất trong vụ mùa đạt 55-60 tạ/ha, vụ xuân đạt 60-65 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 70 tạ/ha.
3. Kỹ thuật canh tác
* Thời vụ và mật độ gieo cấy:
– Vụ xuân:
Gieo mạ dược từ 15-25/12 (nếu đưa vào trà xuân muộn gieo mạ 10-20/1). Cấy sau tiết lập xuân, cây mạ được 4-5 lá.
Mạ sân gieo từ 20-30/1, cấy khi cây mạ được 15-18 ngày tuổi, mạ có ít nhất 3 lá thật.
– Vụ mùa:
Gieo mạ dược từ 25/5-10/6, cấy khi mạ đạt 18-20 ngày tuổi.
Gieo mạ sân từ 10/6-15/6, cấy mạ non 10-12 ngày tuổi, mạ có ít nhất 3 lá thật.
– Mật độ cấy: 55-60 khóm/m2. Cấy 2-3dảnh/khóm.
* Kỹ thuật bón phân và chăm sóc:
– Lượng phân bón cho 1ha:
Vụ xuân: 120 kg N + 110 kg P2O5 + 90 kg K2O.
Vụ mùa : 110 kg N + 110 kg P2O5 + 90 kg K2O.
Nếu có phân chuồng hoặc phân vi sinh, lượng phân bón cho 1ha:
Vụ xuân: 8-10 tấn phân chuồng/vi sinh + 110 kg N + 110 kg P2O5 + 90 kg K2O
Vụ mùa : 8-10 tấn phân chuồng/vi sinh + 100 kg N + 110 kg P2O5 + 90 kg K2O
– Cách bón:
+ Bón lót: bón toàn bộ phân chuồng + 100% P2O5 + 30% N + 50% K2O
+ Bón thúc lần 1: 40% N khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh (Vụ mùa bón sau cấy 12-15 ngày, vụ xuân sau cấy 20-25 ngày).
+ Bón thúc lần 2: bón đón đòng trước khi trỗ 25-30 ngày, bón hết lượng phân còn lại.
Ngoài ra, cũng có thể sử dụng phân bón NPK tổng hợp để bón với liều lượng cho 1 sào Bắc bộ: Phân chuồng 200 kg + 18-20kg NPK (16:16:8) + 3-4 kg kali. (5-6tấn phân chuồng + 100-110N + 100-110 P2O5 + 100-110K2O/ha)
+ Bón lót: toàn bộ phân chuồng + 40% lượng phân tổng hợp NPK.
+ Bón thúc lần 1: 60% lượng phân tổng hợp NPK
+ Bón thúc lần 2: bón hết lượng phân kali còn lại (3-4 kg kali/ sào).
Trước khi cấy 4-5 ngày nên bón phân cho mạ với lượng 2 kg urê/ sào mạ. Chú ý trong vụ xuân, không bón thêm ure khi nhiệt độ thấp, chỉ bón khi có dự báo thời tiết sẽ ấm lên.
– Chú ý: Bón phân chăm sóc sớm cho lúa phát triển tốt ngay ở giai đoạn đẻ nhánh. Sau khi lúa kết thúc đẻ nhánh nên tháo cạn nước trong ruộng 5-7 ngày để lúa dừng đẻ nhánh vô hiệu.Không dùng phân đạm đơn lẻ hoặc phân tổng hợp có hàm lượng đạm cao để bón thêm ở giai đoạn cuối và phải bón đủ lượng phân kali cho lúa ở thời kỳ bắt đầu làm đòng.
4. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Giống lúa P376 có thể cấy được cả hai vụ/ năm trên các chân vàn, vàn hơi thấp, chủ động tưới tiêu của các tỉnh phía Bắc. Giống P376 có thể tham gia tốt trong chương trình sản xuất lúa chất lượng cao của các tỉnh phía Bắc, tại các vùng canh tác cây màu đông chính vụ (khoai tây, rau, ngô chính vụ…)
5. Điển hình đã áp dụng thành công giống P376
Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang…
6. Địa chỉ liên hệ giống
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần, Liên Hồng, Gia Lộc, Hải Dương.
ĐT: 0220.3514926, 0220.3716928