GIỐNG LÚA T10

GIỐNG LÚA T10

1. Nguồn gốc, tác giả
Tác giả: Nguyễn Thanh Tuyền, Phạm Văn Chương, Trần Văn Chiến, Hoàng Quốc Chính và CTV (Viện Cây lương thực và cây thực phẩm – Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam) lai tạo và chọn lọc từ tổ hợp lai DT10 x Amber 33 (Amber33 là giống lúa thơm của Irắc).
Giống lúa T10 đã được khảo nghiệm Quốc gia qua 3 vụ (từ vụ mùa 2003 – 2004). Là giống lúa thơm chất lượng cao có nhiều triển vọng mở rộng sản xuất, được nhiều địa phương đánh giá cao. Giống T10 được công nhận chính thức theo Quyết định 646/QĐ-BNN-TT ngày 31 tháng 12 năm 2013.
2. Đặc điểm chính:
– Thời gian sinh trưởng vụ xuân 130-135 ngày, vụ mùa 105-110 ngày
– Chiều cao cây 95-100cm, thân cứng trung bình, cứng cây hơn BT7, bộ lá xanh, tán lá gọn, đẻ nhánh trung bình.
– Hạt thóc màu nâu thẫm, thon nhỏ, gạo trong, hơi đục, cơm dẻo, có mùi thơm, vị đậm, chan canh không nát, cơm để nguội không cứng.
– Năng suất trung bình từ 5,0-5,5 tấn/ha. Thâm canh cao đạt 6-6.5tấn/ha.
– Khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh trung bình, khô vằn trung bình, nhiễm bạc lá nhẹ hơn BT7
3. Kỹ thuật canh tác
– Thời vụ:
            + Trà xuân muộn: Gieo (mạ dày xúc hoặc mạ nền) 25/1-10/2 cấy sau lập xuân, tuổi mạ 2,5 – 3 lá.
+ Trà mùa sớm: Gieo ngày 5/6-15/6 cấy tuổi mạ được 15-18 ngày hoặc mạ nền 8-10 ngày
– Mật độ: 45 – 50 khóm/m2 (Khoảng cách 20cm x10 – 11cm) mỗi khóm cấy 2-3 dảnh (không cấy quá nhiều dảnh/khóm dễ bị sâu bệnh)
– Phân bón:Bón 300-400 kg phân chuồng; 7 – 8 Kg Urê (vụ xuân); 6 -7Kg Urê (vụ mùa), lân 15-20kg và Kali 5-6 kg/sào Bắc Bộ (thâm canh cao hơn BT7, tương đương với Khang Dân 18).
– Cách bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân và 30 – 40 % đạm (vụ xuân) và 40 – 50 % lượng đạm ( vụ mùa) trước bừa cấy .
+ Thúc dợt 1 khi lúa bén rễ hồi xanh 50% lượng đạm và 30 – 40% lượng kaly.
+ Thúc đợt 2 từ 10 – 20% đạm còn lại ( trong vụ xuân, vụ mùa tập trung bón lót và thúc đạm đợt 1 không nên bón đạm muộn dễ bị bệnh bạc lá cuối vụ). Bón  hết lượng kaly còn lại.
Trường hợp cuối vụ lúa có biểu hiện đói ăn lá vàng có thể bón bổ xung 1 kg đạm hoặc sử dụng phân lá Phabela, Fito cây lúa, Komix…phun trước trỗ khoảng 1 tuần. (Bón đạm nặng đầu, nhẹ cuối để tránh bạc lá cuối vụ)
Chú ý không bón quá nhiều đạm, tăng cường kaly.
– Phòng trừ sâu bệnh: Phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đúng thuốc, đủ nồng độ (như các giống lúa thuần khác).
– Thu hoạch: Thu hoạch lúa khi đạt độ chín 85 – 90%, phơi nắng nhẹ để giữ mùi thơm lâu.
4. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Thích hợp với chân đất vàn, vàn hơi thấp và hơi cao chủ động nước ở các tỉnh miền Bắc
5. Điển hình đã áp dụng thành công giống T10:
            T10 đã đươc gieo trồng thử ở các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Điện Biên…, hàng nghìn ha. Riêng tỉnh Thái Bình diện tích T10 hàng năm đã được bà con nông dân gieo cấy 6000 – 7000 ha, điển hình là huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư…
6. Địa chỉ liên hệ giống
ThS. Hoàng Quốc Chính – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai
ĐT: 024.36875048
Email: Quocchinh58@gmail.com